Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Bí thư Tỉnh ủy thăm các trường thành viên Đại học Thái Nguyên

2020-07-01 18:50:00.0

Chiều ngày 1/7, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên làm Trưởng đoàn đã đi thăm Thư viện điện tử (trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) và Viện nghiên cứu phát triển lâm nghiệp miền núi (trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên).

Tham gia Đoàn còn có các đồng chí: Phạm Hoàng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Lê Quan Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Đoàn công tác thăm quan các mô hình giáo dục STEM tại Thư viện điện tử - Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên

Tại Thư viện điện tử, lãnh đạo Thư viện đã báo cáo tóm tắt về thực trạng, tình hình chung của đơn vị. Theo đó, Thư viện nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm với diện tích  trên 2.900 m2. Không gian học tập thoáng mát được thiết kế tiện nghi, thân thiện truyền cảm hứng đến bạn đọc bao gồm: 12 phòng đọc, trong đó có 02 phòng thuyết trình, 05 phòng học nhóm, 01 phòng học trực tuyến và 04 không gian học tập chung.  Nguồn tài nguyên của Thư viện bao gồm bộ sưu tập in 21.359 đầu tài liệu với hơn 291.589 cuốn bao gồm cả sách, báo tạp chí, tài liệu nội sinh; bộ sưu tập số có hơn 3.200 tài liệu số. Ngoài ra nguồn tài liệu ngoại sinh trực tuyến được chỉ mục thông qua một cơ sở dữ liệu trong môi trường điện toán đám mây với hơn 52.000 bản sách, hơn 82.000 tạp chí miễn phí được cập nhật thường xuyên, cùng các kết nối tới toàn văn khi sẵn có, từ hơn 1.200 nhà cung cấp nội dung, bao gồm các nhà xuất bản quốc tế và khu vực.

Với sự đầu tư đồng bộ, hiện đại, nguồn tài liệu phong phú và trang thiết bị thông minh đi đôi với đội ngũ cán bộ thư viện chuyên nghiệp, Thư viện trường Đại học Sư phạm đã hỗ trợ đắc lực cho việc học tập và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh góp phần tạo nên sự thành công trong sự phát triển của Nhà trường nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung.

Tại Viện Phát triển lâm nghiệp miền núi, lãnh đạo Viện đã thông tin nhanh về quá trình hình thành và phát triển: Viện được thành lập năm 2008, khi thành lập Viện có 1 biên chế và 02 hợp đồng. Cho đến nay toàn Viện có khoảng 200 người lao động, hoạt động hoàn toàn theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP, không sử dụng bất cứ nguồn ngân sách nào của nhà nước. Sau 12 năm hoạt động, Viện được đánh giá là một trong những đơn vị nghiên cứu đứng đầu cả nước về giống, cây trồng trong lĩnh vực lâm nghiệp và dược liệu. Năm 2015, Viện đã dành được giải thưởng Bông lúa vàng (là giải thưởng danh giá nhất của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn) với đề tài “Hệ thống sản xuất giống nông nghiệp chất lượng cao”. Mỗi năm Viện sản xuất từ 10 đến 15 triệu cây giống chất lượng cao về cây lâm nghiệp và cây dược liệu quý, cung cấp cho tỉnh và các địa phương trên cả nước. Viện có 13 bản quyền bảo hộ giống cây dược liệu quý, có 7 sở hữu trí tuệ về quy trình công nghệ. Hàng năm doanh thu từ hoạt động tư vấn công nghệ, cây giống đạt khoảng 20 đến 30 tỷ/năm. Viện đã thực hiện thành công nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ… Năm 2018 - 2019 Viện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đầu tư phòng sinh học phân tử và hóa sinh đạt chuẩn Quốc gia, nhờ đó, Viện có khả năng làm các dịch vụ về khoa học công nghệ trong các lĩnh vực sinh học, tạo các giống cây trồng có chất lượng cao cho Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Viện được đánh giá là đơn vị có uy tín trong phát triển lâm nghiệp và dược liệu trên toàn quốc; có nhiều chương trình hợp tác với các Bộ, ban, ngành của Trung ương, các tỉnh và các tổ chức quốc tế trên thế giới.

Đoàn thăm quan cây giống tại Viện Phát triển lâm nghiệp miền núi – Đại học Nông lâm Thái Nguyên

Phát biểu tại hai điểm đến thăm, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao môi trường học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, có nhiều đề tài khoa học đã ứng dụng để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời đề nghị các trường trong thời gian tới, tiếp tục quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn các chức danh lãnh đạo; tiếp cận với các phương pháp giảng dạy tiên tiến; có nhiều đề nghiên cứu cứu khoa học ứng dụng thực tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Xuân Huy



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1764679