Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thái Nguyên: Chủ động ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu phi

2019-03-05 16:18:00.0

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 409 trang trại lợn với 680.000 con. Đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên chưa phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi.

Công tác khử độc, vệ sinh chuồng trại cần được tiến hành thường xuyên (Ảnh: nguồn Internet) 

Tuy nhiên, trước tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu phi đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan rộng trên các tỉnh, thành trong cả nước. Để ứng phó, chủ động ngăn chặn nguy cơ lây lan, phát sinh bệnh Dịch tả lợn Châu phi vào địa bàn tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các sở ngành, địa phương trong toàn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và PTNT cụ thể:

UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới người chăn nuôi về nguy cơ, tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, chăn nuôi an toàn sinh học; chỉ đạo cơ quan thú y phối hợp với các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống theo đúng quy định.

Tập trung các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch khi dịch xảy ra trên địa bàn, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy triệt để lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, các sản phẩm từ lợn trái phép làm lây lan dịch bệnh.

Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác, kiểm tra các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các xã, phường, thị trấn, các thôn, xóm, hộ chăn nuôi; chủ động tổ chức kiểm tra giám sát, phát hiện lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, báo cáo ngay cho cơ quan thú y cấp tỉnh thực hiện lấy mẫu gửi xét nghiệm, xác định chính xác tác nhân gây bệnh để xử lý tiêu hủy kịp thời.

Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn tại các huyện, xã, khu vực giáp ranh với các tỉnh lân cận, các trục đường quốc lộ, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật xuất phát từ các tỉnh đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 10/01/2019 của UBND tỉnh. Tăng cường kiểm tra tại các ao, hồ, sông suối, hồ đập nhằm phát hiện việc vứt xác động vật ốm, chết ra ngoài môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vứt xác động vật ra ngoài môi trường theo quy định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật và phối hợp với các Sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch khi phát hiện ổ dịch trên địa bàn. Chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong và ngoài nước, các tỉnh giáp ranh để áp dụng, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống ngăn chặn dịch lây lan vào địa bàn tỉnh.

Tham mưu cho UBND tỉnh duy trì và củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trước 17h00’ hàng ngày.

Cục Quản lý thị trường: Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán sản phẩm từ lợn tại các chợ, siêu thị, điểm kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, yêu cầu sản phẩm động vật phải có nguồn gốc, có dấu “Kiểm soát giết mổ” của cơ quan thú y; phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, kinh doanh các sản phẩm từ lợn trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT đã và đang triển khai công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho các cán bộ chăn nuôi thú y về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh (tổ chức 09 lớp tập huấn tại các huyện, thành, thị với 540 lượt người tham gia); giám sát dịch bệnh, bằng cách hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện việc khai báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có biểu hiện ốm, sốt, bỏ ăn…; chẩn đoán xét nghiệm bằng cách tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu phi tại các điểm giết mổ, buôn bán lợn, tại các hộ chăn nuôi có lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh; triển khai kiểm dịch động vật, sản phẩn động vật bằng cách kiểm soát chặt chẽ, phun thuốc sát trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, kiểm sát chặt chẽ động vật đưa vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ lẻ; triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc từ 25/02 đến hết 25/3/2019 …

Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn, ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất, vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; khi phát hiện lợn có biểu hiện nhiễm bệnh cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, dập tắt dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Thu Hà – Thanh Tâm



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1764683