Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Thái Nguyên từ ngày 11/12 đến ngày 17/12/2023

2023-12-17 21:14:00.0

1. Ngày 15/12/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6436/UBND-TH về việc triển khai thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tại văn bản trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo Kết luận số 1378-KL/TU ngày 22/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 94/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Kết luận số 1378-KL/TU ngày 22/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 94/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Ngày 15/12/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6439/UBND-NC về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể của tỉnh tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, văn bản pháp luật mới do Nhà nước ban hành về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động rà soát, phát hiện những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách trong quản lý để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện.

Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm về tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu do buông lỏng trong quản lý, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Thủ trưởng các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng, triển khai các nội dung để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

3. Ngày 15/12/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6443/UBND-NC về việc phối hợp thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các kế hoạch, biện pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và hội nghị tổ chức tại địa phương, bảo đảm an ninh, an toàn địa bàn trong dịp lễ Noel, tết Dương lịch 2024, tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các lễ hội đầu xuân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên và quần chúng Nhân dân; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở; giải quyết tốt những vấn đề về an sinh xã hội trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các mâu thuẫn, xung đột xã hội, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động, khiếu kiện, đình công, lãn công, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh tội phạm và các vi phạm pháp luật do nguyên nhân xã hội; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp xử lý hành chính, nhất là giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn; phối hợp quản lý đối tượng nghiện, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”, người mắc bệnh tâm thần hoặc có tiền sử bệnh tâm thần có nguy cơ gây án...; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ phạm tội tại gia đình, cộng đồng dân cư, tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo; vận động Nhân dân tích cực tham gia phát hiện, giao nộp các loại vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, xử lý nghiêm các vi phạm về pháo; tổ chức ký cam kết đối với từng thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố không để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, không để xảy ra đua xe trái phép, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội thường xảy ra trong dịp tết Nguyên đán...

4. Ngày 13/12/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6397/UBND-NC về việc thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Theo nội dung văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch thanh tra phải có nội dung thanh tra hoạt động công vụ; tăng cường quản lý, chỉ đạo triển khai các cuộc thanh tra hoạt động công vụ theo đúng quy định; đồng thời tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tăng cường hướng dẫn, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thi hành công vụ theo quy định. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh kết quả tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 6397/UBND-NC của UBND tỉnh.

5. Ngày 13/12/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6394/UBND-CNNXD về việc tăng cường biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng theo quy định; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Báo cáo ngay khi phát hiện cháy rừng về Cục Kiểm lâm theo số điện thoại 0986.668.333, Chi cục Kiểm lâm theo số điện thoại 0979.827.924 hoặc Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng theo số điện thoại 0988.849.789; email qlbvptrthainguyen@gmail.com để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo các cơ quan Kiểm lâm, Công an, Quân đội tăng cường thực hiện quy chế phối hợp, phân công rõ trách nhiệm, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần; thường trực, ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và đảm bảo 50% quân số khi có dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm), 100% quân số khi có dự báo cháy rừng ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất. Khi xảy ra cháy rừng, chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo áp dụng các biện pháp phù hợp để trồng, phục hồi lại diện tích rừng bị cháy.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần; thường trực, ứng trực trong suốt mùa khô và quân số khi có dự báo cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân.

Kim Oanh (tổng hợp)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1765155