Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

2022-09-03 08:02:00.0

       Xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

     Gia đình là môi trường quan trọng trong quá trình hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, tạo ra nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cụ thể là xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì việc quan tâm phát triển công tác gia đình nói chung và gia đình văn hóa nói riêng, là một yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người mới, xây dựng xã hội văn minh hiện đại để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang chung tay xây dựng nông thôn mới như hiện nay.

     Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mọi mặt giữa cư dân nông thôn và thành thị, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, môi trường xanh, sạch, đẹp. Do vậy, xây dựng nông thôn mới đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, trong đó vấn đề cơ bản và lâu dài là phải xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. Bởi vì, hạt nhân của xã hội chính là gia đình và nông thôn như một xã hội thu nhỏ được tạo lập bởi nhiều gia đình. Từ đó, cho thấy tầm quan trọng to lớn của việc xây dựng gia đình văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

     Hiện nay, xã Điềm Mặc cũng như cả huyện Định Hóa đang phấn đấu về đích Nông thôn Mới, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sự giao lưu mở cửa hội nhập đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội phát triển kinh tế, giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến. Song, bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái cơ chế thị trường cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến gia đình, làm cho việc xây dựng gia đình Việt Nam theo mục đích yêu cầu chung đứng trước những thử thách, khó khăn. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện xuống cấp, mai một, nếu không được hỗ trợ, không được chuẩn bị đầy đủ, sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và không thể hiện được các chức năng vốn có của mình.

   Trong những năm qua Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Ban chỉ đạo công tác gia đình xác định nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hóa là trọng tâm, cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ khi phát động đến nay, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng tăng lên. Xã tập trung nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng Gia đình Văn hóa, để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa, sự tác động tích cực của phong trào đối với xã hội. Động viên gia đình phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu thành đạt, thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, biết yêu thương, đoàn kết, chia sẻ khó khó khăn với cộng đồng, tích cực cống hiến, đóng góp cho xã hội… Qua đó, cuộc vận động đã trở thành nề nếp và mục tiêu phấn đấu của mỗi gia đình. Hàng năm, các xóm đều làm tốt việc vinh danh các gia đình tiêu biểu nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 nhằm động viên các gia đình chung tay, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

     Với sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo từ xã đến các xóm trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn xã ngày càng phát triển với tỷ lệ hộ đăng ký đạt 100% và hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm luôn chiếm trên 85 %.

     Ngoài việc tăng về số lượng, chất lượng gia đình văn hóa, xã còn quan tâm hướng dẫn các xóm thực hiện đúng quy trình đăng ký, bình xét và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đảm bảo tính công khai, dân chủ và tạo được niềm phấn khởi trong nhân dân khi được bình chọn. Hàng năm có 100% các xóm tổ chức ngày hội đại đoàn kết các dân tộc cũng trong ngày này các gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa được biểu dương nhân rộng phong trào, đã góp phần tác động mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng xã hội trong công tác gia đình./. 

Triệu Chinh



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1765189